Bùi Ngọc Tấn
Quốc Thái đã có nhiều giải thưởng mà có lẽ giải thưởng đáng chú ý nhất là giải thưởng trong cuộc thi vẽ bìa cho họa báo Ba Lan (năm 1973), một trong số ít đất nước luôn có những trào lưu tiên tiến nhất về hội họa trên thế giới, và đã có 2 triển lãm cá nhân tại Hà Nội.
Họa sĩ Quốc Thái - ảnh thangmdk
Ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Quốc Thái đã mê màu sắc. Cho đến bây giờ, đã ngoài 60 tuổi, họa sĩ Quốc Thái vẫn nhớ như in cảm giác hồi lên 6, được bố cho một lọ mực Parker Quink và một chiếc thước kẻ 4 cạnh 4 màu: xanh lơ, đỏ, vàng chanh, lá cây. Thái ngắm nghía màu sắc trên chiếc thước kẻ mà cứ bần thần cả người. Sao lại có cái thước đẹp như vậy, những màu sắc đẹp như vậy. Cậu lăn chiếc thước giữa hai lòng bàn tay để thấy những màu sắc nối nhau, như hòa vào nhau vô tận.
Ngoài chiếc thước, Thái còn một thú chơi màu sắc nữa. Về mùa Đông, các cô, các chị đan len, những mẩu len loại bỏ đi, Thái nhặt nhạnh, ngắm nhìn mê mẩn biết bao màu xếp sóng cạnh nhau, mãi không chán mắt. Thế rồi một lần được ra khỏi làng theo bố tới cầu Bo, thấy chiếc cầu đồ sộ bắc ngang dòng sông mênh mông, ấn tượng vĩ đại của trời mây sông nước in vào trí óc cậu bé con lần đầu tiên đi xa làm Thái ngợp. Yêu con sông quá, yêu chiếc cầu quá, về nhà, Thái vào bếp lấy than vẽ lên tường một chiếc cầu bắc qua sông. Bố bắt quả tang “họa sĩ đang sáng tác”, quát:
-Mày nghịch kiểu gì thế, than gio đen hết cả mặt mũi chân tay rồi.
Thái sợ hãi:
-Con vẽ cầu Bo...
Bố ngắm nghía “bức tranh”, nét mặt dần thay đổi: “Ừ. Giống đấy”. Và gọi cả nhà đến xem. Đó là tác phẩm đầu tay của họa sĩ Quốc Thái sáng tác năm lên 7 tuổi. Một bức bích họa, chất liệu than củi.
Quê gốc Tiên Lãng, sinh ở Thái Bình, cậu con cầu tự Chùa Keo đã cùng gia đình phiêu bạt khi chiến tranh chống Pháp lan đến. Rời Phú Khê, ra Quán Trữ ở nhờ, Thái phụ giúp mẹ bán bún riêu, bán nước mía và đi học, nhưng trong lòng luôn khao khát được vẽ. Vở học của cậu chen lẫn gà, chim, cây, nhà, chân dung bạn học, chân dung bố mẹ. Vẽ bằng bút chì xanh đỏ.
Học xong cấp 2 trường Trí Tri (cùng với các nhà văn Đình Kính, Lưu Văn Khuê), Thái xin học vẽ truyền thần tại nhà cụ Công Ánh trước cửa Vườn hoa đưa người, người vẽ truyền thần giỏi nhất Hải Phòng thời đó.
Biết vẽ rồi, Thái về Kiến An, ở nhờ người quen, hành nghề kiếm sống. 6 tháng như vậy, Thái bỏ truyền thần. Anh đã chán việc sao chép lại sự thật.
Thái chuyển sang làm cho Ty Văn hóa Kiến An, theo người ta cắt khẩu hiệu, rồi vẽ tranh cổ động, hoan hô anh Ga ga rin (Liên Xô) bay vào vũ trụ...và được đăng ký hộ khẩu Kiến An. Từ ấy anh là người thành phố.
Một hôm sau khi xem một phim trinh thám Liên Xô, Thái nảy ra ý nghĩ xin vào Sở Công An Hải Phòng. Ba ngày sau khi nộp đơn, Thái được gọi thử nghề: Vẽ một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, đèn đỏ người dừng, đèn xanh người đi. Thời hạn 7 ngày, 3 ngày Thái đã “nộp quyển” và trúng tuyển.
Tại sở Công an, anh được biên chế ở phòng cảnh sát giao thông, chuyên vẽ tranh an toàn giao thông, rồi chuyển về bảo tàng, trình bày bảo tàng, trang trí các hội nghị, đại hội, kẻ vẽ khẩu hiệu. Cọ, giặt pa nô, mua sơn, nghĩ đề tài, thể hiện đề tài.
Con đường đến với hội họa của chàng thanh niên “nhà quê, từ bùn đất mà lên” Quốc Thái đầy gian nan thử thách. “Vô sư, tự ngộ” trong khi những sách về hội họa ngày ấy gần như vắng mặt trong các hiệu sách. Thì gặp gỡ các họa sĩ đàn anh trao đổi học tập và mượn số sách ít ỏi của họ về đọc. Sang sở văn hóa học kẻ chữ. Và ký họa. Ký họa không ngừng. Ăn xôi sáng vỉa hè, thấy trong mảnh giấy báo gói xôi có bức ký họa (của Văn Đa), anh mang về cơ quan, vuốt thẳng, phơi, nghiên cứu từng nét vẽ.
Cứ như vậy, hơn mười năm qua đi. Anh đã sáng tác được một số tác phẩm được dư luận chú ý.
Sự thật thì công việc của Quốc Thái thời ấy không trơn tru, trôi chảy. Mỗi thành công của anh đều gây cho anh nhiều phiền toái. Cuộc sống tem phiếu trong chiến tranh thời bao cấp mới ngặt nghèo làm sao. Tất cả vật lộn trong cuộc mưu sinh. Đảm bảo dinh dưỡng tối thiểu là mục tiêu không phải ai cũng đạt được. Bát phở được coi như một liều thuốc bổ. Khó khăn đến mức khi được phân phối 2 mét vải pô pơ lin, anh đã phải bán lấy tiền mua vải vẽ. Thái nai lưng ra vẽ. Tranh cổ động là nguồn sống chính của anh và vợ con. Rất nhiều tranh cổ động của anh được in, được giải. Có một bức tranh cổ động của anh được yêu cầu nhân ra tới 60 bản. Hai tuyển tập tranh cổ động Việt Nam, Quốc Thái có đến 7, 8 bức trong mỗi cuốn. Trong cuộc thi vẽ tem, Quốc Thái được giải cùng với Huy Toàn, Thế Vỵ.
Những thành công bước đầu đó có nghĩa là anh có cuộc sống dù khó khăn nhưng vẫn khác với đại đa số các đồng nghiệp công an khác. Anh bị coi như một tế bào lạ. Vừa có danh vừa có tiền, anh chịu một cái “án treo” trước dư luận. Người ta nói về cái tật anh không hòa đồng, ở cơ quan nhưng rất ít giao tiếp với anh em mà lại thân thiết với những thanh niên bên ngoài quần bò áo kẻ, tóc xõa vai (những họa sĩ, những người làm công tác tuyên truyền cổ động của sở văn hóa mà anh giao tiếp để học hỏi), về chuyện anh không mặc đồng phục, hơn nữa lại còn áo ca rô, về thói tự do vô tổ chức, rất hay vắng mặt ở cơ quan.
Thái biết tất cả. Anh chỉ muốn được vẽ và không thể thanh minh rằng những thời gian rỗi trong cơ quan, ngồi gẫu chuyện bên ấm trà là lãng phí cuộc đời mình, rằng lúc ấy anh luôn nghe thấy tiếng của đường phố, của nhà máy, các công viên và cả ở những đồng ruộng ngoại thành gọi anh ra sáng tác, ra ký họa. Trong một buổi trốn cơ quan đi ký họa ở công viên, anh gặp một tốp nữ tự vệ đang tập quân sự. Có một cô gái mảnh mai xinh đẹp da trắng má hồng. Anh đã ký họa cô. Cô tự vệ đã xách súng gỗ đến đứng sau anh, ngó bức ký họa và nhận ra mình. Hôm sau, kịch bản được lặp lại.
Thế rồi khi chiến tranh leo thang ra tới Hải Phòng, cơ quan anh sơ tán về Chợ Cột Đèn, anh thấy cô sáng sáng cầm dấng đi mua chè tươi. Thì ra cơ quan cô cũng sơ tán về gần đó. Anh gặp cô ngỏ ý muốn cô làm mẫu vẽ. Cô nhận lời. Bức tranh Nữ tự vệ được ra đời như vậy.
Nhìn bức tranh, họa sĩ Thọ Vân, phụ trách hội họa Hải Phòng kêu lên:
-Quá đẹp! Tao sẽ cho đóng khung cho mày trưng bày ở triển lãm thành phố!
Còn gì vui hơn. Gỗ khung ngày ấy quý gần ngang với ngà voi! Vui hơn nữa khi hai người cùng đến triển lãm xem tranh giữa đông đảo khán giả mà không ai biết họ là tác giả và người mẫu. Tình yêu bắt đầu từ đấy. Đám cưới được tổ chức sau đó không lâu. Cô tự vệ Nguyễn Thị Kim trở thành chị Quốc Thái bây giờ.
Họa sĩ Quốc Thái, người công an suốt đời chỉ cầm bút vẽ ấy đã về hưu. Những bức tranh của anh “như mọi họa sĩ thuộc thế hệ trong kháng chiến chống Mỹ, trung thành với bút pháp tả thực, bút pháp mà ông học được trong trường mỹ thuật, bút pháp để ghi nhận thực tế như nó có. Ông vẽ phong cảnh, chân dung, tĩnh vật một cách chân tình, điềm đạm, bức tranh thường bình lặng tới mức, như là không phải sinh ra trong khói lửa đạn bom” (Phan Cẩm Thượng). Xưởng vẽ chật hẹp của anh đặt trên gác 2 một ngôi nhà nhỏ trong một ngách phố Văn Cao. Tranh quây quanh bốn bức tường. Tranh chất trên gác lửng. Phác thảo, ký họa. Sơn nước (acrylics). Sơn dầu. Đó là những bữa tiệc của màu sắc.
Quốc Thái đã có nhiều giải thưởng mà có lẽ giải thưởng đáng chú ý nhất là giải thưởng trong cuộc thi vẽ bìa cho họa báo Ba Lan (năm 1973), một trong số ít đất nước luôn có những trào lưu tiên tiến nhất về hội họa trên thế giới, và đã có 2 triển lãm cá nhân tại Hà Nội.
Tuy vậy, với Quốc Thái “Bây giờ mới là lúc tôi vẽ”. Anh nói vậy với cả hai ý nghĩa: Dành toàn bộ thời gian cho hội họa và tiếp tục đổi mới mình trong hội họa. Quốc Thái vẫn đang độc hành trên con đường sáng tạo. Anh vẫn đang tìm tòi đổi mới. Nhưng có một điều ai cũng nhận thấy: Cái tình của anh trong những bức tranh. Điều ấy thật khó diễn đạt. Đứng trước nhiều bức tranh Quốc Thái ta thường vấn vương đến những gì ngoài chúng. Ta sẽ tìm thấy tuổi thơ đã mất trong bức Đi câu. Và đứng trước bức Sau cơn mưa, trời, nhà, cây như còn láng một lớp nước mưa trong suốt, ta cảm thấy hơi nước mát lạnh đang tỏa quanh ta, tâm hồn ta đang được mưa thanh lọc...
-------------
Nguồn: Mỹ thuật Hải Phòng
-------------
Nguồn: Mỹ thuật Hải Phòng
Hoạ sỹ Quốc Thái là nghệ sỹ tài hoa
Trả lờiXóa