"Hãy cứ vẽ như không biết vẽ thì đã sao?"

Nguyễn Thế Khoa

"Hãy cứ vẽ như không biết vẽ thì đã sao?" (Bùi Xuân Phái).
Giữa tháng 12 vừa qua, họa sĩ Lê Đại Chúc từ Hải Phòng lên Hà Nội và ghé lại thăm nhà báo Nguyễn Thế Khoa. Giữa hai ông có một cuộc trao đổi về câu nói trên của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Cuộc trao đổi này thể hiện quan điểm rất thú vị về nghệ thuật và sáng tác mỹ thuật. MTHP xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi này:

- Anh thường nói: Hoạ sĩ vẽ gì thì vẽ, cuối cùng vẫn là tự hoạ, xin anh giải thích thêm chiêm nghiệm này?

- Có người hỏi tôi: hoạ sĩ là ai? Tôi đã trả lời: Hoạ sĩ khác người thợ vẽ ở chỗ dù vẽ gì thì vẽ cuối cùng vẫn là tự hoạ. Theo tôi, hội họa, nghệ thuật bao giờ cũng là vấn đề riêng tư, rất riêng tư. Người họa sĩ vẽ gì thì cũng theo con mắt riêng, tư tưởng, cảm xúc riêng, cách đánh giá riêng, theo những mách bảo riêng của trái tim mình. Nếu để một lọ hoa cho 10 họa sĩ cùng vẽ thì dứt khoát sẽ ra 10 bức tranh hoa khác nhau. Chữ tự họa tôi dùng ở đây nhằm nhấn mạnh rằng họa sĩ dù vẽ đối tượng nào thì cùng đều thể hiện chân dung của bản thân: suy nghĩ và quan niệm về cuộc sống, con người, về đối tượng vẽ, quan niệm về hội họa, và cả học vấn, sở thích... nghĩa là tất cả những gì chất chứa trong lòng mình. Người họa sĩ thậm chí còn vẽ ra những điều mà mắt thường không nhìn thấy nhưng họ lại nhìn thấy được thông qua tôn giáo, thông qua khoa học, thông qua tâm linh. Nhà bác học Nga Gamov khi nghiên cứu về vật chất tối (Dark Substance) từng nói: “Những cái mắt thường không nhìn thấy không có nghĩa là chúng không tồn tại”. Tôi vẽ đống rơm màu xanh, lũy tre màu đen, con trâu màu đỏ và khi tranh của tôi đẹp, có hồn thì mọi người đều thấy tôi có lý. Tôi cũng vẽ mình thành ông da đen, lông mày màu xanh và hai mắt màu vàng. Danh họa Gaugin nói: “Mọi cái đều có thể”.

- Không ít người khen Lê Đại Chúc là trường hợp hiếm hoi của một người không qua trường lớp, chỉ nhờ tự học mà thành công trong hội họa. Anh nghĩ sao về lời khen này?

- Đây là một sự nhầm lẫn lớn. Hầu hết các danh họa trong nước và trên thế giới đều thành công chủ yếu là nhờ tự học chứ không phải nhờ trường lớp. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí và họa sĩ Nguyễn Sáng đều học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng thành công lớn nhất của họ với tranh sơn mài là do tự mày mò nhiều năm học từ truyền thống sơn mài dân tộc. Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng có dạy về sơn mài nhưng chỉ rất đại khái. Pablo Picasso cũng vậy, ông chỉ học ở Học viện Mỹ thuật Madrit một năm rồi bỏ ngang sang Paris rồi nhờ tự học rồi thành danh. Cần nhấn mạnh rằng trường lớp là quan trọng nhưng tự học mới là cái quyết định thành công của bất kỳ họa sĩ nào. Nếu chú ý ta sẽ thấy là các bậc thầy hội họa thường không bao giờ dạy ở các trường và nếu không học được họ thì khó có thể thành công. Sự tự học có cái hay là hoàn toàn tự do, chỉ học những gì thiết thân nhất và có thể chọn lọc những cái hay nhất của các bậc thấy, không bị phụ thuộc vào bất cứ chương trình giáo án nào.
Picasso, họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20 là một tấm gương tự học lớn. Khi đã thành danh và giàu có, Picasso đã mua rất nhiều tranh của người khác. Picasso quan niệm đơn giản thế này: "Họa sỹ là người sở hữu bộ sưu tập riêng của mình". Đặc biệt là ông ấy mua nhiều nhất là tranh của H.Russo, vốn là một họa sĩ tự học hoàn toàn. H.Russo đã là nguồn cảm hứng và có ảnh hưởng lớn đến sáng tạo của Picasso, Kadanski và cả Matisse. Picasso, Ka danski và Matise vĩ đại bởi họ luôn nhận ra và học hỏi không ngừng những cái hay, cái vĩ đại của người xung quanh.
Có lần, một bạn họa sĩ nổi tiếng khen tôi: “Không qua trường lớp mà vẽ được như ông thì thật đáng khâm phục”. Tôi liền đùa lại: “Ông nói ngược rồi! Qua trường lớp mà vẫn vẽ được như ông thì mới đáng kính phục”. Trong câu nói đùa của tôi, có một sự thật nghiêm túc: sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo hội họa bao giờ cũng rất kỵ những trói buộc trường quy, những khuôn vàng thước ngọc áp đặt và người nghệ sĩ nếu không vượt qua những rào cản đó thì khó có thể thành công. Họa sĩ Bùi Xuân Phái từng ghi vào nhật ký câu này: “Hãy cứ vẽ như không biết vẽ thì đã sao!”. Đối với thế giới Bùi Xuân Phái chưa phải là một họa sĩ vĩ đại nhưng câu nói này của ông thì quá vĩ đại, thế giới hội họa chưa ai nói được như ông. Một câu nói chứng tỏ ông hiểu hội họa đến mức tận cùng . Chính các họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới cũng chưa ai dám chắc mình đã thực sự hiểu hội họa. Salvado Dali từng nói: “Tôi hiện là họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới, ấy vậy mà tôi vẫn không hiểu được vẽ là thế nào?”. Họa sĩ Bùi Xuân Phái từng chỉ cho tôi xem tranh của Gaugin, Russo và nói: Vẽ như thế này là sai rồi đây này nếu theo quan niệm trong trường nhưng chính những cái sai này mới là đẹp. Nghệ thuật là tình yêu mà tình yêu thì không ai có thể dạy ai được. Tôi ngờ rằng những ngưòi hay lớn tiếng chỉ dạy về tình yêu thực ra chưa hiểu mấy về tình yêu. Chính tình yêu của mỗi người sẽ tự mách bảo cách yêu, cách chinh phục người mình yêu của họ. Người phương Tây có câu: "Nghệ sỹ sinh ra đã là nghệ sỹ ngay chứ không phải do đào tạo". Nhấn mạnh điều này không phải là việc coi thường các trường lớp nghệ thuật nhưng quả thật các trường lớp có thể dạy vẽ nhưng không đào tạo được họa sĩ, có thể dạy viết văn nhưng không thể đào tạo nên nhà văn, có thể dạy nhạc nhưng không đào tạo được nhạc sĩ. Học nghệ thuật là học để quên chứ không phải để nhớ. Làm nghệ thuật là một quá trình tự đào tạo qua công việc lao động sáng tạo bền bỉ hàng ngày, nếu muốn thành công thì phải nhớ đến cái nguyên tắc hồn nhiên mà Bùi Xuân Phái nhắc nhở: “Hãy cứ vẽ như không biết vẽ”…

- Anh nghĩ thế nào về tính dân tộc của hội họa, có nên đề cao tính dân tộc trong hội hoạ hiện đại?

- Tính dân tộc là một thuộc tính tự nhiên của hội hoạ. Người họa sĩ luôn thuộc về một đất nước một dân tộc và đầu tiên, anh ta bao giờ cũng vẽ con người và thiên nhiên đất nước mình dân tộc mình và vì thế không thể lẫn với con người của đất nước dân tộc nào khác. Các đặc trưng về tư duy, cảm xúc, rồi các đặc trưng về màu sắc, đường nét, hình khối cũng tạo nên tính dân tộc của một nền hội họa. Thế giới từng biết đến những nền hội họa đặc sắc của Hà Lan, Italia, Pháp …Tuy vậy, các họa sĩ lớn không chỉ thuộc một đất nước, một dân tộc, họ thuộc về nhân loại. Theo tôi, ngày hôm nay không nên quá đề cao tính dân tộc khiến cho người nghệ sĩ lúng túng và tự làm nghèo mình. Ví như dân tộc ta không chỉ là sơn mài, lụa, hay chỉ là con trâu, bến nước gốc đa, áo tứ thân hay cứ dùng màu nâu sẽ ra dân tộc. Nguy hiểm hơn là việc tuyệt đối hóa dân tộc tính dễ dẫn đến một thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khi dân tộc nào cũng cho mình là nhất, thì đó là nguồn gốc những bi kịch lớn của nhân loại hiện nay như chiến tranh, thù hận…Có lẽ, theo tôi, bây giờ mối quan tâm lớn nhất của các họa sĩ Việt Nam là làm sao tranh mình vẽ thật hay thật đẹp, trong cái hay cái đẹp luôn bao hàm tính dân tộc và tính nhân loại. Thế giới người ta rất sòng phẳng, rõ ràng về việc này. Trong các bảo tàng và galerry lớn thế giới, dưới một bức tranh đẹp, sau tên của họa sĩ, bao giờ họ cũng ghi quốc tịch và thậm chí cả nguồn gốc dân tộc của họa sĩ. Ví dụ: Họa sĩ X, quốc tịch Mỹ, gốc Việt Nam.

- Theo anh thì hội hoạ Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ hội hoạ thế giới?

- Nếu nói về tình hình chung thì nền hội họa của chúng ta mới là ở cỡ khu vực thôi. Nhưng có một số họa sĩ có thể bày ra ở nước ngoài một cách đàng hoàng. Đó là những tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí thì có thể coi là một thiên tài, người đã đưa sơn mài từ mỹ nghệ lên thành hội họa và được coi là một trong ba người làm sơn mài giỏi nhất thế giới. Các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm cũng có những bức tranh độc đáo, gây ấn tượng trong hội hoạ thế giới.Thế hệ sau đó cũng có những nhân tài hội họa. Mỹ thuật Miền Nam thì tôi không biết nhiều, nhưng ở Miền Bắc, thì tôi thấy họa sĩ Lê Quảng Hà, họa sĩ Đặng Xuân Hòa và họa sĩ Đinh Quân thì chả thua ai hết. Bày tranh của những họa sĩ này ra nước ngoài thì cũng có cái để người ta xem. Tuy vậy, cũng phải nói rằng chúng ta chưa có một nền hội họa có thể sánh với những cường quốc hội họa của thế giới.
-------------
Nguồn: Mỹ thuật Hải Phòng

1 nhận xét: